Cẩm tú kỳ bào – Chu Nghiệp Á

Cẩm tú kỳ bào

Tác giả: Chu Nghiệp Á

Thể loại: văn học Trung Quốc, kinh dị

cẩm tú kỳ bào

Nội dung: Người ta đồn rằng xưa kia có một cô gái vì không lấy được người mình yêu mà nhảy sông tự vẫn, bộ xường xám cô mặc khi đó bị ám, cô gái nào sở hữu sẽ chết. Lý Ảnh (nữ) ba mẹ mất, ông nội mất tích 10 năm trước, cô sống với bà nội, mở hiệu xường xám “Cẩm tú kỳ bào”. Đêm nọ, một thiếu phụ đến nhờ cô sửa lại một chiếc xường xám, cô nhận ra là chiếc xường xám trong truyền thuyết. Từ đó cô luôn gặp ác mộng về cô gái năm xưa. Em trai Lý Ảnh và bạn gái cậu ta đến mượn xường xám đi chụp ảnh, vô tình lấy trúng bộ ấy, sau đó cả hai đều chết, Lý Ảnh vứt đi nhưng nó cứ quay về bên cô. Không nhờ Đường Triêu (nam) – một người mới quen hiểu biết về thuật pháp – thì Lý Ảnh cũng đã nhiều lần bị hồn ma giết chết. Lý Ảnh cùng Đường Triêu lần theo nguồn oán khí của xường xám đến gian thờ nhà họ Hà, tiểu thư Hà Thanh Lâm là bạn thân của Lý Ảnh, nơi đó thờ vị thiếu phụ đã đưa xường xám cho Lý Ảnh, tên Tần Tịnh, khi xưa lén lút qua lại với ông nội Lý Ảnh, thể chất yếu, chết sau khi sinh, đứa bé không lâu sau cũng chết. Tần Tịnh cũng là kiếp sau của cô gái năm xưa, oán khí tích tụ 2 kiếp ám vào xường xám, nhà họ Hà khi trước đã phong ấn bộ áo đó lại, nhưng mới đây bị bọn trẻ nghịch làm rách bùa và rách áo nên âm hồn lại thoát ra. Rồi Lý Ảnh phát hiện Thanh Lâm và bạn trai Vân Phong của mình lén lút cặp kè, cô thù ghét nên tặng bộ xường xám cho Thanh Lâm, sau đó hối hận muốn lấy lại thì đã muộn, cả Thanh Lâm lẫn Vân Phong đều đã chết. Muốn hủy bỏ oán khí hoàn toàn phải tìm được ông nội Lý Ảnh. Trong giấc mơ, Lý Ảnh thấy bà nội chôn xác ông trong chậu cây trong nhà, cô và Đường Triêu lén đào lên, đem cả hài cốt lẫn bộ xường xám chôn cạnh mộ Tần Tịnh. Khi về thì bà nội cô đã tự vẫn, để lại lời nhắn thú tội rằng cũng vì ghen mà bà đã tặng bộ xường xám cho Tần Tịnh, khi thấy không có tác dụng bà bèn giả ma quỷ dọa cô ta mỗi đêm khiến Tần Tịnh ngày càng suy nhược, cũng chính bà đã giết đứa trẻ, sau này ông nội phát hiện, bà giết ông rồi nói dối rằng ông đã bỏ đi. Nhận ra mình và bà nội cũng chẳng khác gì nhau, Lý Ảnh từ đó phát điên. Đường Triêu trọn đời chăm sóc cho một Lý Ảnh tinh thần không bình thường.

Nhận xét: Quá trình tìm hiểu không phức tạp, truyện dài chủ yếu là do mô tả các cơn ác mộng và đời sống tình cảm của Lý Ảnh. Không kể rõ thực hư truyền thuyết năm xưa. Lúc đầu thấy thương Lý Ảnh, nhưng từ khi cô cho Thanh Lâm bộ xường xám thì thấy cô thật độc ác, không đáng có được tình cảm của Đường Triêu, kết cục cô phát điên là cái giá đúng đắn.

Tuyết đoạt hồn – Quỷ Cổ Nữ

Tuyết đoạt hồn

Tác giả: Quỷ Cổ Nữ

Thể loại: văn học Trung Quốc, kinh dị, trinh thám

tuyết đoạt hồn

Nội dung: Chuyện kể rằng khi tìm đến nơi một người đã chết tròn 1 năm sẽ gặp được người đó, nhưng sẽ bị bắt thế mạng. An Hiểu (nữ) quyết tìm hiểu cái chết bí ẩn của cô bạn thân Thạch Vi tại một ngôi nhà đen hẻo lánh, nên quay lại đó sau 1 năm và bị ám sát. Ngôi nhà đen sau đó được cải tạo thành một nhà nghỉ trong khu nghỉ dưỡng trượt tuyết mới mở. Na Lan (nữ) là một thành viên trong nhóm du lịch 7 người do Cốc Y Dương (nam) mở màn và những người khác xin đi theo, gồm: Na Lan, Cốc Y Dương, hai vợ chồng La Lập Phàm (nam) và Thành Lộ, Lê Vận Chi (nữ), Mục Hân Nghi (nữ), Giản Tự Viễn (nam). Từ khi đến đây, Na Lan luôn mệt mỏi, ảo giác và mất vài phần trí nhớ. Vài ngày sau gặp bão tuyết, họ bị kẹt lại và cô lập trên núi. Rồi Thành Lộ mất tích, La Lập Phàm bị giết. 5 người còn lại bị ám sát, họ dắt nhau chạy trốn, trên đường đi thì Lê Vận Chi biến mất. Họ quay lại tìm thì thấy chứng cứ cho thấy Lê Vận Chi ngã xuống vực, và cô có liên hệ với bọn sát thủ. Vốn nghi ngờ từ trước, Na Lan và Cốc Y Dương lập bẫy lật tẩy thủ phạm giết rồi giấu xác Thành Lộ là Hân Nghi, cô ta là tình nhân của La Lập Phàm muốn lên làm vợ chính thức. Hân Nghi bỏ trốn, còn 3 người quay lại nhà nghỉ. Qua điều tra thì biết La Lập Phàm bị Lê Vận Chi giết. Cốc Y Dương là người yêu cũ của An Hiểu, do nghi ngờ nên sau 1 năm cô chết, anh tổ chức đi nghỉ dưỡng tại đây nhưng mục đích chủ yếu là điều tra. Nhóm người Lê Vận Chi cử Lê Vận Chi đến chặn đường điều tra bởi họ chính là thủ phạm giết Thạch Vi và An Hiểu, Lê Vận Chi tiếp cận La Lập Phàm thăm dò và khi bị nghi ngờ, cô ta liền giết La Lập Phàm bịt miệng. 3 người lại bị tập kích, Cốc Y Dương chạy riêng đánh lạc hướng và bị giết. Qua bức họa Thạch Vi để lại cho An Hiểu và được Cốc Y Dương vừa trao lại cho mình, Na Lan và Giản Tự Viễn khám phá ẩn ý của bức ảnh, tìm ra nơi Thạch Vi giấu đồ. Lúc xưa Thạch Vi đàn đúm cùng bọn buôn ma túy chính là bọn sở hữu khu nghỉ dưỡng này, khi phát hiện mình có thai với ông trùm, cô giấu bằng chứng họ phạm pháp để uy hiếp ông trùm bỏ nghề, nhưng rồi cô bị thủ tiêu. Những người này lợi dụng khu nghỉ dưỡng để mở rộng buôn bán, họ trộn ma túy vào trà, đó là lí do cho những triệu chứng của Na Lan. Tại đây, Na Lan còn biết được Giản Tự Viễn cũng tìm cách tiếp cận cô để moi ra thông tin về nơi cất giấu kho báu dưới hồ Chiêu Dương, trong quyển “Hồ tuyệt mệnh”, Na Lan đã tìm ra được kho báu ấy nhưng rồi nó biến mất, có người nghi ngờ cô giấu đi nên thuê Giản Tự Viễn điều tra. 2 người tiếp tục chạy trốn, lần nữa bị chia ra và Giản Tự Viễn hi sinh. Na Lan một mình thoát nạn và báo cho cảnh sát. Ngoài Na Lan, Thành Lộ cũng may mắn sống sót. Chưa bắt được Hân Nghi và ông trùm. Cuối truyện còn xuất hiện vài nhân vật bí ẩn gợi mở cho quyển tiếp theo trong series.

Nhận xét: Tuy lúc đầu hơi lộn xộn nhưng khi giải ra rồi thì lại thấy dễ hiểu. Nói là kinh dị nhưng kết quả không hề có yếu tố ma quái.

Trại Hoa Đỏ – Di Li

Trại Hoa Đỏ

Tác giả: Di Li

Thể loại: văn học Việt Nam, kinh dị, trinh thám

Trại Hoa Đỏ ^

Nội dung: Diên Vĩ (nữ) được chồng tặng một khu đất trong vùng núi sâu đã được cải tạo thành khu nghỉ dưỡng riêng, gọi tên là Trại Hoa Đỏ vì nơi này mọc đầy một loại hoa màu đỏ. Nơi này có truyền thuyết về lời nguyền của dòng họ Quách rằng: mỗi đời đều có 1 cô gái trinh trong gia đình treo cổ tự vẫn. Từ sau khi Diên Vĩ đến, liên tiếp có những cái chết xảy ra, trong đó có cả cô gái trinh cuối cùng của nhà họ Quách. Cô bèn nhờ cảnh sát Bách (nam) điều tra. Hiện tại Bách đang điều tra về một đường dây mua bán trẻ em, đâm thuê chém mướn, cướp của giết người, buôn lậu, và vô tình một trong những thủ phạm chính là Sương (nam) – người đã giới thiệu mảnh đất Trại Hoa Đỏ cho Lưu (chồng Diên Vĩ), nhưng rốt cuộc chính Sương cũng bị giết. Có thời gian Bách đã nghi ngờ chính Diên Vĩ nhưng kết quả không phải. Người gây ra tất cả là Lưu. Lưu vốn là người của vùng đất này nhưng từ nhỏ bị bắt cóc bán cho một nhà giàu, sau này kế nghiệp trở nên giàu có, tuy tìm được về quê cũ nhưng không muốn nhìn nhận. Lưu nghe được lời tương truyền về dòng họ Quách rằng: chỉ cần lấy trinh một cô gái trong dòng họ Quách rồi đem cô ta hiến tế sẽ tìm được kho báu khổng lồ của nhà họ Quách. Vì lời truyền này mà đã vô số người tìm đến ve vãn các cô gái nhà họ Quách, khi các cô phát hiện tình yêu giả tạo ấy, đồng thời bị ám thị từ lời nguyền nên cứ nối nhau đi tự vẫn. Lưu cũng tìm đến một cô, nhưng lúc này hắn đã có vợ và cậu con trai Bảo. Vợ hắn phát hiện hắn cặp kè cô khác, hai người cãi vã và người vợ bị Lưu giết chết, hắn giấu xác cô trong một hang động gần đó. Rồi hắn lấy vợ thứ hai chính là Diên Vĩ. Tình cờ được Sương giới thiệu ngay vùng đất ấy, hắn mừng rỡ đồng ý ngay. Thật ra chính Sương cũng tham kho báu nhưng hắn chọn cách tìm theo bản đồ. Rồi cái xác trong hang bị hết người này đến người kia phát hiện, Lưu liền giết hết diệt khẩu. Cô gái cuối cùng của dòng họ Quách cũng vì phát hiện ý đồ của Lưu mà quyết định tự tử. Trong cuộc giằng co giữa Diên Vĩ và Lưu, Lưu bị rơi xuống vực chết.

Nhận xét: Điểm cộng: gây được tính ly kỳ hồi hộp; cuối truyện có tổng hợp lại toàn bộ quá trình, tiện cho người đọc sắp xếp lại dữ kiện. Điểm trừ: cả nửa quyển đầu toàn gợi ra bí ẩn mà chẳng khám phá được mảy may đầu mối nào; tác giả cố công dựng nên cả một quá khứ đồ sộ và tăm tối của Diên Vĩ chỉ để khiến Bách nghi ngờ trong thoáng chốc, ngoài ra chẳng còn tác dụng gì khác; bức tượng hình người cụt đầu được miêu tả ghê rợn và xuất hiện xuyên suốt truyện nhưng hoàn toàn chẳng đóng vai trò gì và cũng không giải mã về hình dạng kỳ lạ của nó; sự kết nối tình tiết giữa những vụ án Bách theo đuổi và vụ ở Trại Hoa Đỏ có quá nhiều trùng hợp và đôi khi tạo nên sự gượng ép; tác giả kết truyện theo hướng tất cả đều do con người gây ra, nhưng lại không lí giải việc Diên Vĩ và Bảo có thể nhìn thấy những linh hồn, những thứ ghê rợn người thường không nhìn thấy, và cả việc cô nàng Ráy có khả năng tiên tri, tóm lại là chỉ giải quyết về mặt trinh thám mà không giải quyết về mặt kinh dị.

Hồ tuyệt mệnh – Quỷ Cổ Nữ

Hồ tuyệt mệnh

Tác giả: Quỷ Cổ Nữ

Thể loại: văn học Trung Quốc, kinh dị, trinh thám

hồ tuyệt mệnh

Nội dung: Na Lan (nữ) làm trợ lí sáng tác cho văn sĩ Tần Hoài (nam) nhà bên bờ hồ Chiêu Dương. Tại đây, Na Lan nghe và khám phá được nhiều chuyện. Vùng này có truyền thuyết hễ đêm nào có người mặc áo tơi chèo thuyền câu cá trên hồ Chiêu Dương nhưng cần lại không mắc dây câu thì hôm sau có người chết. Trước đây em gái Tần Hạo là Tần Mạt từng bị cưỡng hiếp dẫn đến tâm thần. Một đêm, 2 cô y tá làm nhiệm vụ chăm sóc Tần Mạt đã thấy trên hồ có 5 người mặc áo tơi, những ngày sau 5 cái xác lần lượt nổi lên. Vài ngày sau, vợ Tần Hoài – Quảng Diệc Tuệ lại mất tích. Ninh Vũ Hân (nữ) – cô gái làm trợ lí trước Na Lan cũng bị giết chết. Mọi nghi ngờ đổ dồn vào Tần Hoài. Na Lan cho rằng tất cả những việc này có liên quan đến nhau nên bắt đầu điều tra, nhưng đồng thời cô cũng bắt đầu bị truy sát. Na Lan và Tần Hoài cùng khám phá ra sự việc. Hồ Chiêu Dương còn có truyền thuyết về kho báu chôn bên dưới, nên ông Tư Không Trúc – đại gia trong vùng – đã mướn những thợ lặn giỏi tìm cho ông. Thế nhưng trong đêm đó, họ say hoan lạc, cưỡng hiếp một cô gái trong nhóm đến chết, 5 người còn lại bèn ra hồ ném xác cô gái, nhưng rồi chính họ cũng bị ông Tư Không Trúc thủ tiêu, chỉ 1 người trốn được nhưng đã bị giết trước khi Na Lan tìm gặp được. Người cưỡng hiếp Tần Mạt là bạn thân của Tần Hoài – Phương Văn Đông, anh ta cũng là một nhà văn nhưng không vượt qua được Tần Hoài nên sinh lòng đố kị. Thêm vào đó, anh ta cũng từng yêu Quảng Diệc Tuệ nhưng cuối cùng cô lại chọn Tần Hoài, nên một đêm anh đã cưỡng hiếp Quảng Diệc Tuệ rồi giết chết. Quảng Diệc Tuệ có một anh bạn thanh mai trúc mã là Đặng Tiêu, ai cũng nghĩ họ sẽ lấy nhau nhưng rồi Quảng Diệc Tuệ lại lấy Tần Hoài khiến Đặng Tiêu sinh hận. Không ăn được thì đạp đổ, khi biết Ninh Vũ Hân cũng yêu Tần Hoài, anh muốn giành lấy nhưng không được nên giết luôn cô, và lần này mục tiêu của anh ta chính là Na Lan. Bằng sự giúp đỡ của nhiều người, Na Lan và Tần Hoài rốt cuộc được toàn mạng. Xác Quảng Diệc Tuệ được tìm ra. Tần Mạt bước vào giai đoạn chữa trị tâm lí. Na Lan và Tần Hoài vẫn không đến với nhau. Đoạn cuối có một nhân vật bí ẩn dõi theo Na Lan, có lẽ là hé mở đến tập tiếp theo trong series.

Nhận xét: Gắn mác là truyện kinh dị nhưng thật ra chỉ là trinh thám. Na Lan vốn học về tâm lí nhưng khi điều tra lại không hề sử dụng đến khả năng phân tích tâm lí đó. Cứ tưởng tất cả đều có liên quan đến nhau nhưng kết cục lại ra 3 vụ với 3 thủ phạm hoàn toàn riêng biệt khiến người xem hụt hẫng.

Trích dẫn:

“Lòng mỗi người đã có sẵn một thế giới đào nguyên, nhưng người ta lại suốt ngày xoay như đèn cù, cố kiếm tìm nó mà tìm không thấy.”

——

“Nước là cội nguồn của sự sống. Từng phút từng giây trong chín tháng đầu tiên của sinh mệnh chúng ta đều nằm trong nước. Cõi lòng ấm áp của người mẹ là không gian an toàn dễ chịu nhất trên đời.”

Vòng bảy người – Thanh Khâu

Vòng bảy người

Tác giả: Thanh Khâu

Thể loại: văn học Trung Quốc, kinh dị, đam mỹ

vòng bảy người ^edit

Nội dung: Chu Quyết (nam) một ngày đọc được quyển sách có tên “Vòng bảy người” kể về 7 người trong cuộc hành trình giải mã một cái gì đó. Từ sau đó, những chuyện kỳ lạ cứ liên tiếp xảy ra và đều liên quan đến nội dung quyển sách. Sau đó có thêm 5 người nữa cũng đọc quyển sách ấy: Trần Hạo (nam), Phùng Lão Cửu (tên thật Phùng Tường) (nam), Tam Béo (tên thật Lý Thành Hạo) (nam), Khỉ Còi (tên thật Hầu Tiểu Vĩ) (nam), Diệp Vỹ (nam). Họ theo dấu vết chị Trần Hạo – 1 người trong vòng 7 người trước, nay đã chết – để lại và tìm được 7 khối bản dập. Sau này cùng đi với họ ở bước cuối cùng còn có Lâm Húc (nam) – tác giả quyển sách và là một nhân vật trong sách. Ngày xưa có một tộc người gọi là Tương tộc, họ nuôi một loài vật gọi là Tương trùng và dùng nó chế tạo thuật cải tử hoàn sinh, tuy nhiên thất bại, người chết vẫn có thể sống lại nhưng chỉ là cương thi. Trong Tương tộc có một vị công chúa là tộc mẫu Tương tộc và Quách Pháp (nam) – thần pháp vô song. Đứng đầu nhóm nghiên cứu có 7 người, 7 người này khi chết đi vẫn không cam lòng bỏ cuộc, hồn phách họ nhập vào 7 khối bản dập đóng vào 7 cây cột trong mộ công chúa. Nhóm 7 người trong sách chuyên đi đào mộ đã gỡ 7 bản dập ấy ra, khiến 7 linh hồn hoành hành, còn những người sở hữu bản dập khi chết đi không được siêu thoát mà phải vất vưởng khắp nơi. 7 linh hồn ấy vẫn muốn hoàn thành tâm nguyện. Còn công chúa thì mong họ được siêu thoát, cô sở hữu viên đá Cố hồn phách bên trong chứa trùng mẹ nên linh hồn cô có thể nhập vào người khác, và cô đã nhập vào Thúy Nương (nữ) trong nhóm 7 người đầu và dẫn dắt họ đi hóa giải. Phương pháp giải là do Quách Phác để lại trong mộ phần của ông. Trong nhóm đào mộ ấy có một người là Hổ Tử (nam) muốn chiếm đoạt phương pháp chế tạo thuốc. 7 người sợ chết nên đến bước cuối cùng là đem 7 bản dập gắn lên mộ Quách Phác, họ đã đưa Lâm Húc – một người không liên can đến làm thay, nhưng phương pháp ấy đã thất bại. Hổ Tử hi sinh những người khác để chạy, giả làm Lâm Húc viết quyển sách làm phép vào để liên tục có hết nhóm 7 người này đến nhóm 7 người nọ đi giải mã giúp ông ta. Thật ra từ khi bắt đầu hành trình, Phùng Lão Cửu đã chết nhưng nhờ tìm được Cố hồn phách mà sống lại cùng với linh hồn công chúa. Nhóm Chu Quyết khám phá ra rằng những nhóm trước sở dĩ thất bại là do họ một là chỉ đến mộ Quách Phác, hai là chỉ đến mộ công chúa, thật ra phải chia bản dập gắn đồng thời ở 2 ngôi mộ, mà đường thông từ mộ công chúa đến mộ Quách Phác chỉ đúng thời điểm mới mở ra và sẽ nhanh chóng khép lại. Do đó họ đã chia ra: Diệp Vỹ, Khỉ Còi, Phùng Lão Cửu đến mộ công chúa, Trần Hạo, Chu Quyết, Tam Béo, Hổ Tử đến mộ Quách Phác. 7 linh hồn và vô vàn Tương trùng đeo bám họ. Đến đúng giờ, Trần Hạo gắn 4 khối lên mộ Quách Phác, Phùng Lão Cửu che chắn để Diệp Vỹ gắn 3 khối lên mộ công chúa. Tức thì cả 2 ngôi mộ đổ sập, Diệp Vỹ và Trần Hạo phải ở lại giữ trận pháp, rốt cuộc sống sót ra ngoài chỉ có Chu Quyết, Tam Béo và Khỉ Còi. Tuy nhiên đến phút cuối, những linh hồn vì từng giữ bản dập mà không siêu thoát được đã đến chắn thay Diệp Vỹ và Trần Hạo để họ chạy thoát. Trần Hạo về bên Chu Quyết. Diệp Vỹ bắt đầu hành trình chinh phục Khỉ Còi.

Nhận xét: Không đáng sợ chút nào. Nội dung phía trên cũng chưa chắc đúng vì nó khá khó hiểu. Truyện còn hấp dẫn ở chỗ vì linh hồn không siêu thoát nên chẳng biết trong các nhân vật có ai đã chết hay chưa. Ở đây không quan trọng là có đủ 7 người hay không, mà quan trọng là phải đủ 7 bản dập và giải đúng cách. Yếu tố đam mỹ rất ít, cũng chẳng đóng vai trò gì trong cuộc hành trình. Lúc đầu thích cặp Trần Hạo x Chu Quyết nhưng càng đọc càng thích cặp Diệp Vỹ x Khỉ Còi. Thích nhất nhân vật Diệp Vỹ.